Với đề tài “Nâng cao năng lực của sinh viên trong việc ứng phó với các rủi ro từ công nghệ Deepfake (một loại kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh,ủkhoatrườngluậttìmcáchứngphóvớilừađảotừcôngnghệhoa tường vi âm thanh và video giả mạo, sai sự thật)", đã giúp Trần Lê Trọng Văn đoạt giải nhất tại Hội thảo khoa học “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”, do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), Trường ĐH An ninh nhân dân, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Tháng 6.2023, từ những thông tin đọc được, Văn nhận thấy có rất nhiều trường hợp bị lừa đảo từ cuộc gọi sử dụng công nghệ Deepfake nên đã bắt đầu tìm hiểu về đề tài này. Quá trình nghiên cứu, Văn gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu vì ở Việt Nam chưa có nhiều bài viết chuyên sâu về chủ đề này. Vì vậy, nam sinh phải tìm đọc các bài viết và tài liệu của các nước.
Trong bài tham luận của mình, nam sinh đã đúc kết được nhiều kỹ năng để sinh viên có thể ứng phó với rủi ro từ công nghệ Deepfake. Đó là sử dụng mật khẩu mạnh, khác nhau cho mỗi tài khoản mạng xã hội và thay đổi thường xuyên; chỉ tải ứng dụng từ các nhà phát triển uy tín; kết nối với mạng wifi an toàn và có mật khẩu; không tải về hoặc mở những tệp tin đính kèm đáng ngờ, cũng như không nhấp vào các liên kết lạ hoặc chưa rõ nguồn gốc...
Theo Văn, sinh viên cũng cần hạn chế việc chia sẻ các thông tin cá nhân nhạy cảm như: hình ảnh, video, âm thanh, giọng nói của mình hoặc người thân cho những người lạ hay không tin tưởng.
“Kiểm tra lại quyền truy cập của các ứng dụng đến máy ảnh, microphone (thiết bị thu âm), bộ nhớ hoặc vị trí của thiết bị. Chỉ chia sẻ nội dung cá nhân với những người được cho phép và thiết lập chế độ riêng tư cho các bài đăng. Không để lộ thông tin trên trang cá nhân, hồ sơ hoặc tiểu sử. Không tham gia trò chuyện hay nhận cuộc gọi có nội dung nhạy cảm, bất thường”, Văn nói.
Văn mong muốn từ đề tài này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của sinh viên trong việc ứng phó với các rủi ro từ công nghệ Deepfake. Đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu về việc kiểm soát và phát huy tối ưu lợi ích từ công nghệ này trong tương lai. Nam sinh còn phát triển bài tham luận trở thành đề tài nghiên cứu khoa học. Dự kiến tháng 3.2024 sẽ báo cáo thu hoạch đề tài ở Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM.
“Sinh viên không nên tin tưởng một cách mù quáng vào bất kỳ thông tin nào mà chưa kiểm tra lại nguồn gốc, tính xác thực và độ tin cậy. Một bộ tiêu chí được gợi ý sử dụng để đánh giá tính xác thực của thông tin có thể như: Ai là tác giả hoặc người phát ngôn của thông tin? Thông tin được đăng tải ở đâu và khi nào? Có được trích dẫn từ các nguồn khác không và đó là gì? Có bị thiếu sót, sai lệch hoặc thiên vị không? Thông tin có mục đích gì và hướng đến ai?”, Trọng Văn chia sẻ.
Khi còn là học sinh Trường THPT Phan Thanh Giản (tỉnh Bến Tre), Trọng Văn từng đạt nhiều giải thưởng như: giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn tin học, đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh năm học 2019-2020, giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán...
Thạc sĩ Nguyễn Thế Đức Tâm, công tác tại Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: “Mình ấn tượng với sự nghiêm túc và siêng năng của Trọng Văn. Dù là nhiệm vụ học tập, nghiên cứu khoa học hay hoạt động phong trào, Trọng Văn luôn nỗ lực hết sức, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Đồng thời luôn chủ động, sáng tạo để có thể hoàn thành một cách tốt nhất".
Thạc sĩ Đức Tâm nói thêm: "Mình đánh giá rất cao Trọng Văn về khả năng cân bằng nhiều mảng công việc khác nhau và quản lý thời gian hiệu quả. Hơn nữa, mặc dù có lịch trình khá bận rộn, Trọng Văn luôn vui vẻ, hòa đồng, lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người xung quanh. Đồng thời luôn biết lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người để hoàn thiện bản thân".