Chi tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông tại Học viện Kỹ thuật quân sự,ếnsĩxtrởvềViệtNamcốnghiếnchogiáodụlgkm sau đó, tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Soongsil (Hàn Quốc). Năm 2017, anh nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (Singapore).
Cuối năm 2019, nam tiến sĩ trở lại Việt Nam và quyết định phát triển sự nghiệp tại quê hương. Hiện, anh là Giám đốc Chương trình Công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT, thuộc Tổ chức Giáo dục FPT .
Chi kể lại, thời điểm chọn ngành học đại học, anh có mong muốn trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, khi học cấp ba, anh tập trung vào môn Toán, Vật lý và Hóa học, thay vì Sinh học. Do đó, bố anh đã khuyên anh theo các ngành kỹ thuật, trong đó, công nghệ viễn thông là một điểm sáng với nhiều tiềm lực phát triển.
Nghe theo lời khuyên của bố, chàng trai trẻ năm ấy bắt đầu bén duyên với công nghệ. Trong suốt quá trình học đại học, anh chỉ nghĩ sẽ đi theo lộ trình thông thường, học chăm chỉ, tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Bước ngoặt trong con đường sự nghiệp của Đình Chi bắt đầu khi học môn chuyên ngành vào hai năm cuối đại học. Lúc này, anh may mắn được học các giảng viên hàng đầu Việt Nam, trong đó có hai người thầy ảnh hưởng lớn nhất đến anh và đều từng học tập ở nước ngoài.
Trong mỗi bài giảng, các thầy đều gửi gắm câu chuyện đi du học, nghiên cứu, trình bày báo cáo hội nghị... Từ đó, nam sinh 8x quan tâm hơn đến các nội dung học thuật và bắt đầu tìm hiểu về việc học sau đại học, viết báo hay mô phỏng để tạo ra kết quả.
Đến năm thứ 5, anh chỉ định làm luận văn thông thường. Tuy nhiên, thầy giáo hướng dẫn đánh giá học trò của mình có năng lực nghiên cứu. Theo lời khuyên của thầy, anh Đình Chi quyết định thử sức và đã làm được một bài đăng lên tạp chí quốc gia do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định. Bài nghiên cứu này đã nhận được đánh giá tốt.
Từ bước đệm này, TS. Đình Chi trúng tuyển học bổng Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật truyền thông và thông tin tại Đại học Soongsil.
Tuy nhiên, quá trình học năm đầu khá vất vả, khó thích nghi. Dù có nền tảng tốt ở trường đại học nhưng để lấp đầy khoảng trống chênh lệch giữa chuyên ngành và hướng nghiên cứu, anh cần quyết tâm hơn rất nhiều. Dù không có sự khác biệt quá lớn về mặt kiến thức, anh vẫn gần như mất kết nối khi giáo sư khuyến khích sinh viên "tự bơi". Trong khi đó, các nghiên cứu sinh khác trong phòng Lab lại không giỏi tiếng Anh.
"Tôi đã đọc sách, nghiên cứu một thời gian dài để tìm hiểu kỹ về hệ thống, hiểu bản chất và tự giải quyết vấn đề. Khi có vấn đề quá khó, tôi mới tìm đến giáo sư. Nếu đã có nền tảng, kỹ năng tự học là yếu tố quan trọng nhất khi học sau đại học", anh cho biết.
Theo nam tiến sĩ, việc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó không phải là rào cản cho người làm nghiên cứu học thuật. Thách thức lớn nhất khi đi theo con đường này là vượt ra khỏi giới hạn của bản thân, "có thể vượt ra khỏi vòng an toàn, dám làm, dám thử, sẵn sàng làm mọi việc với tâm thế học hỏi cái mới hay không".
Khi học tại Việt Nam, anh thấu hiểu mong muốn của các chuyên gia hàng đầu là tạo nền móng cho lĩnh vực công nghệ trong nước phát triển."Tôi cố gắng làm tất cả mọi thứ để xếp những lớp gạch tiếp theo cho các thế hệ kế thừa", anh nói.
Trong quá trình theo đuổi con đường học thuật, TS. Đình Chi đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí, hội nghị uy tín và là tác giả chính trong tất cả thành quả này. Anh cũng là tác giả của nhiều bằng sáng chế ở Hàn Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, nam tiến sĩ đã ba lần nhận giải "Best paper" tại các hội nghị ở Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong quá trình học tập, nghiên cứu, anh tâm đắc với bài báo đề xuất một loại mã ràng buộc hai chiều (2D constrained code), cơ chế mã được chứng minh về cả lý thuyết và đề xuất ra cơ cấu mã. Anh cùng một tiến sĩ và giáo sư ở Singapore đã "phá" được bài báo vào năm 2010 của các "big name" (tên tuổi gạo cội) trong ngành. Thời điểm đó, đây là giải pháp được đánh giá tối ưu nhất. 10 năm sau, nhóm của anh Chi đã đề xuất được mã mới và chứng minh tốt hơn nghiên cứu trước đây.
"Tôi rất mừng khi có thể phá được 'đỉnh' đã tồn tại nhiều năm trong ngành ", anh nói thêm.
Ở môi trường nước ngoài thời gian dài, Chi thấy rằng, môi trường nghiên cứu tại Hàn Quốc hay Singapore đi trước Việt Nam rất nhiều. Tại hai quốc gia này, Chính phủ và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với các trường đại học để thúc đẩy nghiên cứu, giải các bài toán thực tế.
Tốc độ cập nhật của các quốc gia phát triển cũng cao hơn so với Việt Nam. Singapore là "IT Hub" (trung tâm công nghệ thông tin) của châu Á. Vì vậy, mọi công nghệ mới nhất đều xuất hiện đầu tiên tại đây.
Tuy nhiên, nam tiến sĩ vẫn quyết định về nước để gần với gia đình và mong muốn đóng góp cho môi trường học thuật trong nước. Mới đây, anh vào top 6 ứng viên tiêu biểu lĩnh vực "Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa" trong top 19 Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2023.
"Việt Nam đang có nhiều bước tiến trong công tác nghiên cứu khoa học dù đi sau các nước thế giới", vị tiến sĩ đúc rút sau bốn năm làm việc tại Việt Nam.
Lý do Chi đầu quân cho Trường Đại học FPT là bởi ấn tượng với tầm nhìn và cái tâm của ban lãnh đạo, cũng như chất lượng sinh viên tại đây. Làm việc một thời gian, vị tiến sĩ trẻ nhận thấy tiềm năng lớn từ hệ sinh thái của Tập đoàn FPT tác động lên môi trường nghiên cứu khoa học ngành công nghệ thông tin. "Mọi khía cạnh của trường cũng như tập đoàn đều có dấu ấn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học", anh nhấn mạnh.
Mới đây, trường đã nhận đặt hàng trực tiếp từ đơn vị thành viên FPT Software về đào tạo SAP (System Application Programing - Giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể) do dự kiến thiếu hụt nhân lực. Điều này thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu dựa trên bài toán của doanh nghiệp, đáp ứng tính học thuật và cả nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT xây dựng phòng Quản lý khoa học để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, trao đổi giữa các nhà khoa học. Giảng viên tại đây được thưởng, tổ chức hội thảo để trình bày báo cáo; hỗ trợ kinh phí dự hội nghị hàng năm. Đơn vị cũng có nhiều lab của giảng viên, cuộc thi để sinh viên cùng nghiên cứu, làm dự án và báo cáo.
"Ngay trong việc tuyển dụng, trường ưu tiên nghiên cứu viên học ở nước ngoài, có các công trình công bố ở tạp chí uy tín. Đây là một cách kiểm soát chất lượng và định hướng nghiên cứu", anh nói thêm.
TS. Đình Chi phân tích thêm, cơ hội phát triển cho các nhà khoa học ngày càng rộng mở khi ngành công nghiệp bán dẫn đang xoay trục sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khu vực liên tục được tổ chức hội nghị về ngành, đồng thời, các nước phát triển dần chuyển nhà máy từ Trung Quốc. Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển ngành công nghiệp tỷ đô này.
"Môi trường nghiên cứu tại Việt Nam đã bắt đầu đón nhận nhiều sự quan tâm từ chính phủ, doanh nghiệp. Do đó, cơ hội là rất lớn, đặc biệt là ngành bán dẫn vi mạch, IC design, AI...", anh nhấn mạnh.
Thời gian tới, TS. Chi dự định tiếp tục cùng cộng sự thiết kế nhóm các môn, trong đó có nhiều môn kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với truyền thông đa phương tiện hay ngôn ngữ, tức, ứng dụng thành tựu công nghệ của các nhà nghiên cứu trong trường và trên toàn cầu vào các chương trình "non-IT". Nhờ đó, sinh viên học ngôn ngữ cũng có thể vào phòng lab thực tế ảo thực hành kỹ năng hay khối ngành kinh doanh ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, từ đó, đưa ra quyết định.
Ngoài ra, anh dự định mang mô hình lab đã được trải nghiệm ở Singapore về Trường Đại học FPT, giúp các sinh viên có thể phát triển cả học thuật và các hoạt động giải quyết bài toán trong công nghiệp, sáng chế.
Nhật Lệ