GIÁO VIÊN PHẢI HẠNH PHÚC
Chia sẻ về quan niệm một trường học hạnh phúc,ữngđiềumongchờlàmnêntrườnghọchạnhphúvăn minh giáo viên (GV) ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) Đỗ Đức Anh cho rằng hạnh phúc là chỉ số có khả năng lây lan. Trường học hạnh phúc khi thầy cô phải hạnh phúc mới có thể truyền cảm hứng, niềm hạnh phúc của mình cho học trò.
Theo thầy Đức Anh, có rất nhiều áp lực trong môi trường giáo dục. Đó là học sinh (HS) đối mặt với áp lực điểm số, kỳ vọng của người lớn khiến các em chưa cảm thấy thực sự vui vẻ và hạnh phúc khi đến trường. GV cũng có nhiều áp lực và chưa thật sự cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. "Sẽ không có nhà giáo hạnh phúc nếu bản thân công việc chưa giúp họ nuôi sống bản thân, gia đình", GV này nói.
Về phía nhà quản lý, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho rằng để trường học hạnh phúc, thì GV phải hạnh phúc. GV là người truyền lửa trực tiếp cho HS, người kiến tạo đường dây tâm lý từ trái tim đến trái tim. Nên những cảm xúc của GV luôn tác động đến học trò. Hạnh phúc của thầy cô xuất phát từ cuộc sống gia đình, không phải chật vật chạy đôn chạy đáo, chân trong chân ngoài, đồng lương đủ trang trải cuộc sống. Hạnh phúc thầy cô là được nhìn thấy thành quả học tập của HS, nhà trường.
Thầy Phan Thế Hoài, GV dạy ngữ văn bậc THPT tại Q.Bình Tân (TP.HCM), cho rằng GV hạnh phúc là khi môi trường làm việc ở đó hiệu trưởng phải làm đúng quy chế dân chủ cơ sở, GV được nêu ý kiến của mình và lãnh đạo cần lắng nghe để điều chỉnh. Khi GV hạnh phúc thì HS sẽ hạnh phúc. GV phải được tự chủ chuyên môn trong giảng dạy, lãnh đạo tránh can thiệp quá sâu vào công việc của thầy cô giáo. Hiệu trưởng lấy hiệu quả giảng dạy, sự tiến bộ, hạnh phúc của HS để làm cơ sở đánh giá GV. Tập thể sư phạm cần đoàn kết, thầy cô giáo yêu thương, san sẻ công việc cho nhau, giúp đỡ nhau khi khó khăn, ốm đau, hoạn nạn.
Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, dự kiến trong tuần này, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí thể hiện qua 3 nhóm tiêu chuẩn là Con người, Dạy học và hoạt động giáo dục, Môi trường. Căn cứ vào bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, các trường tự đánh giá và đề ra kế hoạch và phương án xây dựng trường học hạnh phúc. Tiêu chí nào thực hiện tốt thì cần duy trì, tiêu chí nào chưa đạt thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện. Quá trình thực hiện cần đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục, không mang tính hình thức, thành tích.
ĐỂ HỌC SINH HẠNH PHÚC MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG
Để học trò cảm thấy vui, hạnh phúc khi đến trường, theo cô Hoàng Thị Vinh, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cần xây dựng mối quan hệ thầy trò trên cơ sở của sự tôn trọng, yêu thương, chia sẻ và hòa đồng.
Cô Vinh cho hay trong quá trình giảng dạy, GV phải luôn có sự thấu cảm, gần gũi với HS để các em có thể chia sẻ các khó khăn trong quá trình học tập. Trong giao tiếp, GV cần có sự quan tâm chân thành. Đặc biệt, theo cô Vinh, không được kỳ thị, mạt sát mỗi khi HS mắc lỗi. Luôn coi mỗi HS có thế mạnh riêng, không nên áp đặt quan điểm của thầy cô lên HS mà cần khuyến khích để các em phát huy được năng lực bản thân.
Thầy Đỗ Đức Anh thì cho rằng HS sẽ cảm thấy vui hơn nếu được GV lắng nghe, tiếp nhận thông tin đang quan tâm, cùng tìm cách cùng tháo gỡ và giải quyết.
Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, HS sẽ hạnh phúc khi có GV giỏi chuyên môn, giỏi phương pháp sư phạm để giúp HS hiểu bài nhanh, sâu. Thêm vào đó, GV cần am hiểu sâu sắc đặc điểm tâm lý để giúp các em hóa giải những khó khăn trong học tập, trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô.
Còn với thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), xây dựng trường học hạnh phúc phải xuất phát từ những điều HS mong ước. GV hãy tìm nhiều hình thức đánh giá để HS phát huy được điểm sáng, sở trường, sở đoản... Cho nhiều cơ hội để các em cải thiện và đạt điểm tốt. Xây dựng văn hóa nhà trường bằng tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy của người thầy.
Cũng theo thầy Thanh, đối thoại học đường là hoạt động cần thiết phải diễn ra thường niên, để qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, phản biện của HS.
Quan trọng hơn cả khi xây dựng trường học hạnh phúc, theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, cần tạo ra môi trường mà ở đó thầy và trò đều vui vẻ, có sự chia sẻ giữa cán bộ, GV, nhân viên với tư duy tích cực. Làm sao để GV với HS không phải là "tình thương hành chính" mà là tình thương cảm xúc... Những điều từ trái tim sẽ đến với trái tim và đó là hạnh phúc.
Học sinh nói gì về trường học hạnh phúc?
* Nếu các thầy cô muốn HS học một cách hiệu quả, muốn đất nước tìm được nhiều nhân tài, tìm ra các đường lối đặc biệt, hãy cho đầu óc của HS được tự tìm tòi, tự khám phá, được thư thái và tạo ra màu cho riêng các em. Mấu chốt của việc giáo dục thành công là chỉ khi ta đào tạo được một công dân hạnh phúc. Đó cũng là mục đích của các ngôi trường hạnh phúc.
Chen Bá Nguyên
* Không có quy chuẩn nào đo được trường học thế nào là hạnh phúc nhưng với em khi lãnh đạo đủ yêu thương thì cấp dưới, HS sẽ yêu thương. Đơn giản thôi, trồng cây khi yêu thương từ rễ thì sau lớn lên, tới ngọn cao nó cũng sẽ yêu thương.
Phạm Gia Huy
Thái Hoàng, GV Trường THCS - THPT Bác Ái, TP.HCM (ghi)